Phóng viên Báo Tây Ninh vừa có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở TN&MT xung quanh vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là ở lưu vực sông Vàm Cỏ Đông và khu vực 2 cụm lò mì Tân Bình (Thị xã), Trường Đông (Hoà Thành).
(BTN)- Thời gian qua, một trong những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm là tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ở lưu vực sông Vàm Cỏ Đông và khu vực 2 cụm lò mì Tân Bình (Thị xã), Trường Đông (Hoà Thành). Gần đây, qua những động thái tích cực của ngành chức năng, mà cụ thể là ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), người ta có thể hy vọng tình trạng nói trên sẽ được cải thiện đáng kể. Phóng viên Báo Tây Ninh vừa có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở TN&MT xung quanh vấn đề này với nội dung như dưới đây:
PV: Ông có thể cho biết những vấn đề thuộc lĩnh vực Sở phụ trách được dư luận quan tâm nhất hiện nay là gì?
|
Ông Nguyễn Đình Xuân
|
Ông Nguyễn Đình Xuân: Tôi mới về phụ trách Sở TN&MT được hơn tháng nay. Theo ghi nhận của tôi, có 3 vấn đề lớn thuộc lĩnh vực tài nguyên, môi trường được cử tri tỉnh nhà đặc biệt quan tâm. Nổi cộm nhất hiện nay là vấn đề ô nhiễm môi trường.
Nóng bỏng không kém đó là vấn đề đất đai và khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai. Vấn đề thứ ba là thực trạng khai thác tài nguyên khoáng sản. Bản thân tôi từ lúc nhận nhiệm vụ mới đã rất nỗ lực, bắt tay ngay vào việc giải quyết những vấn đề bức xúc như đã nêu. Tuy nhiên, chúng tôi cần có thời gian.
PV: Thời gian qua, một trong những vấn đề “nóng”, có tính bức xúc kéo dài và được nhắc đến tại nhiều kỳ họp HĐND tỉnh là tình trạng nước sông Vàm Cỏ Đông bị ô nhiễm, huỷ diệt nhiều loài thuỷ sinh nhưng thủ phạm thì… “vô hình”. Ông nhận định gì về việc này?
Ông Nguyễn Đình Xuân: Tôi đã khảo sát bước đầu về thực trạng ô nhiễm môi trường trên sông Vàm Cỏ Đông. Con sông này không chỉ là dòng chảy tự nhiên mà còn là văn hoá, là lịch sử của tỉnh nhà. Do đó, bảo vệ môi trường sông Vàm Cỏ Đông là vấn đề rất cấp thiết. Tỉnh ta có tăng trưởng đến mấy mà để “mất” dòng sông này cũng là điều vô cùng đáng tiếc, là có tội với quê hương. Mất ở đây- nghĩa là để cho dòng sông bị ô nhiễm, làm huỷ diệt các loài thuỷ sinh...
Ngay từ những ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ, tôi đã có kế hoạch khảo sát, đề ra giải pháp bảo vệ dòng sông cũng như chi lưu chính của nó, chảy qua Thị xã là rạch Tây Ninh. Tôi khẳng định, thủ phạm không thể là vô hình. Bằng chứng là mới đây, chúng tôi đã phát hiện quả tang một doanh nghiệp chế biến tinh bột mì xả nước thải độc hại thẳng ra thượng nguồn rạch Tây Ninh.
Có thể có nhiều nguyên nhân khiến nước sông, rạch bị ô nhiễm như nước thải sinh hoạt, nước mưa chảy từ các khu dân cư, khu vực bị ô nhiễm xuống sông, hoặc do hoạt động khai thác thuỷ sản, do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ các cánh đồng ven sông và tất nhiên là có nguyên nhân do nước thải của nhà máy nào đó. Nếu chúng ta không bóc tách ra được từng nguyên nhân thì chỉ thấy thủ phạm vô hình.
Như đã nói từ đầu, các nhà máy xả thải là nguyên nhân cực kỳ quan trọng của tình trạng ô nhiễm sông, rạch. Chúng tôi xác định có 28 nhà máy có nguồn xả thải lớn, trực tiếp hoặc gián tiếp làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Hiện chúng tôi cũng đã có chương trình giám sát đặc biệt từ nay sang đến năm sau.
Cũng cần nói thêm về trường hợp cá chết trên rạch Tây Ninh và khu vực đầu nguồn vừa qua. Nhờ triển khai nhanh chóng các lực lượng kiểm tra, truy nguồn xả thải mà chúng tôi phát hiện quả tang doanh nghiệp Tiến Dương xả nước thải ra môi trường tự nhiên. Đến giờ này, tôi có thể khẳng định đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng cá chết trên rạch Tây Ninh hôm 7.11.2013.
PV: Ông có thể cho biết cụ thể hơn về chương trình giám sát đặc biệt mà ông vừa đề cập?
Ông Nguyễn Đình Xuân: Chúng tôi đã phân công các cán bộ, chuyên viên phụ trách lĩnh vực môi trường và lực lượng thanh tra Sở thường xuyên trực trong tư thế sẵn sàng xuống hiện trường khi có tin báo xảy ra ô nhiễm. Vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, kể cả ban đêm lúc nào cũng phải có ít nhất 2 người được phân công trực để kịp thời tham gia xử lý các trường hợp vi phạm.
Trước đây, qua nhiều lần kiểm tra cho thấy, nguyên nhân khiến cá trên sông, rạch chết là do lượng ô xy trong nước rất thấp. Mà nguyên nhân khiến lượng ô xy trong nước thấp, theo tôi chính là do nước thải của các nhà máy gây ra.
Các nhà máy đã được yêu cầu phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn mới được xả ra môi trường nhưng họ thường xử lý không đạt. Đó là do nhà máy sản xuất quá công suất so với thiết kế của hệ thống xử lý nước thải, hoặc do doanh nghiệp “ăn gian”; vì nếu phải vận hành hệ thống xử lý nước thải liên tục suốt quá trình sản xuất thì rất tốn kém nên họ cắt giảm bớt khâu này để tăng lợi nhuận.
Do đó, cần phải giám sát thường xuyên ở khu vực hồ chứa nước thải của các nhà máy.
|
Nhiều ngư dân trắng tay vì cá bè chết sạch trong các đợt ô nhiễm sông Vàm Cỏ Đông
|
Những “giám sát viên” của chúng tôi là nông dân, là ngư dân có quyền lợi thiết thực gắn bó với dòng sông. Chúng tôi sẽ cung cấp cho bà con số điện thoại đường dây nóng, thậm chí sẽ chi trả tiền điện thoại để bà con có thể kịp thời cung cấp thông tin về ô nhiễm môi trường. Tôi tin rằng trong thời gian tới, tình trạng ô nhiễm môi trường trên sông, rạch sẽ giảm đáng kể, tiến tới bảo đảm sự trong lành cho dòng sông.
PV: Hiện trong tỉnh còn 2 cụm lò mì ở xã Trường Đông và xã Tân Bình gây ô nhiễm môi trường nặng nề trong thời gian qua nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Sở TN&MT có giải pháp nào chăng cho vấn đề này?
Ông Nguyễn Đình Xuân: Hai cụm lò mì trên đã có từ lâu. Nếu buộc các cơ sở phải di dời hoặc chấm dứt hoạt động thì cũng cần nghĩ tới biện pháp hỗ trợ chủ doanh nghiệp ra sao.
Có 3 vấn đề đặt ra: di dời, đóng cửa hay cho hoạt động nhưng phải bảo đảm yêu cầu xử lý nước thải- có sự hỗ trợ của Nhà nước. Một thực trạng nữa là hiện nay mạch nước ngầm ở khu vực 2 cụm lò mì trên đã bị ô nhiễm ở độ sâu khoảng từ 10 đến 20m.
Nếu di dời hoặc đóng cửa hết các nhà máy mì hiện nay thì vài năm sau vẫn chưa thể sử dụng được mạch nước ngầm ở độ sâu ấy. Do đó, việc xử lý ô nhiễm môi trường ở các khu vực trên phải qua một quá trình lâu dài. Theo quy định của tỉnh, đến cuối năm nay, tất cả các lò mì trên phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy định mới được tiếp tục hoạt động.
Do đó, nhiều doanh nghiệp cũng đang cố gắng đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải để có thể tiếp tục hoạt động. Chúng tôi đang tiếp tục giám sát các cơ sở này. Nếu có căn cứ cho thấy hệ thống xử lý nước thải có khả năng hoạt động hiệu quả thì sẽ cho phép vận hành thử nghiệm một thời gian, sau đó mới có quyết định chính thức.
PV: Ngày 6.8.2013, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành kế hoạch bảo vệ môi trường năm 2014. Theo đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh phải xử lý nước thải đạt cột A, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước khi xả ra hệ thống cống, suối, kênh, rạch thuộc lưu vực các sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng. Ông có nghĩ đây là điều rất khó thực hiện?
Ông Nguyễn Đình Xuân: Đúng là rất khó! Cái khó nhất hiện nay là công nghệ xử lý. Hiện chưa có công nghệ nào chắc chắn xử lý nước thải lò mì đạt tiêu chuẩn A với giá thành chấp nhận được. Cũng đã có một vài công nghệ có tiềm năng nhưng chưa thuyết phục được về tính hiệu quả.
Có mấy vấn đề về việc xử lý nước thải đạt loại A. Thứ nhất là công nghệ phải phù hợp. Thứ hai là chi phí đầu tư lẫn vận hành hệ thống xử lý không quá cao. Thứ ba là hệ thống xử lý nước thải hoạt động ổn định, được kiểm chứng qua một thời gian. Có nhiều doanh nghiệp muốn bỏ tiền đầu tư hệ thống xử lý nước thải - khoảng 10 tỷ đồng nhưng họ băn khoăn không biết có đạt hiệu quả hay không.
Sắp tới, chúng tôi sẽ phân loại mức độ thực hiện đầu tư hệ thống xử lý nước thải của từng nhà máy để đề xuất UBND tỉnh có biện pháp giải quyết hợp tình, hợp lý. Tất nhiên, những cơ sở nào chây ỳ sẽ phải đóng cửa.
PV: Xin cảm ơn ông!
HOÀNG ANH
(Thực hiện)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét