Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Có quyết định tạm đình chỉ của UBND Tỉnh, vẫn vô tư xé niêm phong hoạt động

Sau loạt bài “Cụm lò mì tàn phá môi trường”: Khẩn cấp báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm!

Cập nhật ngày: 24/02/2012 01:52:22





PGĐ Sở TN-MT Nguyễn Hoàng:Cảnh sát Môi trường cần làm rõ xem DNTN Hồng Châu có vi phạm hình sự hay không?


Sau loạt bài phản ánh về cụm lò mì tàn phá môi trường ở xã Tân Bình (Thị xã) vào trung tuần tháng 2.2012 vừa qua, ngày 23.2, lãnh đạo Sở TN&MT tổ chức cuộc họp bàn về việc xử lý vi phạm ở các lò mì. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo xã Tân Bình, đại diện Phòng TN&MT Thị xã, Chi cục Bảo vệ Môi trường, Thanh tra Sở TN&MT, phóng viên Báo Tây Ninh và Đài PTTH Tây Ninh. Ông Nguyễn Hoàng, Phó Giám đốc Sở TN&MT phụ trách lĩnh vực môi trường chủ trì cuộc họp
.


Lò mì Hồng Châu vẫn đang hoạt động

Chủ DNTN Hồng Châu cố tình vi phạm pháp luật

Về vấn đề các lò mì gây ô nhiễm môi trường, lãnh đạo Sở TN&MT cho biết, trước đây, xã Tân Bình có 6 lò mì của các doanh nghiệp ở địa phương. Hầu hết các lò mì này đều hoạt động từ những năm 1990, và cho đến nay vẫn còn sử dụng công nghệ cũ (máng lắng) trong sản xuất. Tổng công suất của các lò mì ở xã Tân Bình đạt khoảng 400 tấn bột ướt/ngày, tổng lưu lượng nước thải xả ra môi trường khoảng 2.500m3/ngày. Đáng chú ý là các doanh nghiệp này dù được Sở Khoa học- Công nghệ và Môi trường (cũ) cấp phiếu xác nhận Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường nhưng đã hết hiệu lực từ ngày 31.12.2000.

Từ trước đến nay, các lò mì đều xử lý nước thải bằng cách xả ra ao sinh học không chống thấm. Hiện các lò mì của DNTN Danh Dự, DNTN Hùng Vân đang triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải bằng hầm biogas nhưng chưa hoàn chỉnh. Các lò mì Hồng Châu, Phú Tây An đã ký hợp đồng với một công ty thi công đầu tư hầm biogas nhưng chưa triển khai thực hiện. Riêng 2 lò mì của DNTN Hoàng Hoa, Phúc Thắng đã ngưng hoạt động, tháo dỡ nhà xưởng.
Trong suốt thời gian qua, các lò mì chưa thu gom, xử lý chất rắn, chất thải nguy hại theo quy định và cũng chưa đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại với cơ quan chức năng. Riêng DNTN Danh Dự đã được Sở TN&MT cấp mã số quản lý chất thải nguy hại vào tháng 3.2011. Các DNTN hoạt động chế biến tinh bột mì ở Tân Bình cũng chưa thực hiện đầy đủ chương trình giám sát môi trường, đóng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Trước những vi phạm của các lò mì, năm 2008, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1762/QĐ-UBND, ban hành kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường năm 2008.
Tại một văn bản ngày 4.2.2012, UBND Thị xã cho biết: “DNTN Hùng Vân và DNTN Danh Dự dù đang tiến hành xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng đến nay đã hết thời gian khắc phục theo quy định của UBND tỉnh (thời gian phải hoàn thành là ngày 8.8.2009) và thời gian của Sở TN&MT gia hạn phải hoàn thành là ngày 31.12.2010…
Hiện nay, các doanh nghiệp này đang tiến hành xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng Phòng TN&MT Thị xã chưa nhận được hồ sơ thiết kế và công văn chấp thuận nào của UBND tỉnh, Sở TN&MT cho phép xây dựng hệ thống xử lý nước thải”.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã tự ý sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích chứa nước thải lò mì, điều này là vi phạm quy định của Luật Đất đai hiện hành. Một cán bộ Sở TN&MT cho biết, nếu phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mỗi ha đất ở khu vực các lò mì xã Tân Bình phải đóng thuế khoảng… 1 tỷ đồng. Theo lãnh đạo UBND xã Tân Bình, thực chất việc các doanh nghiệp chủ lò mì ở xã “xây dựng hệ thống xử lý nước thải” chủ yếu để đối phó, nhằm kéo dài hoạt động “ngày nào hay ngày ấy”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu “mổ xẻ” việc các chủ lò mì làm hầm biogas để “bảo vệ môi trường” sau khi bị đưa vào “danh sách đen” các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, bị buộc phải khắc phục môi trường thì còn nhiều vấn đề bất cập về đất đai, quy hoạch, thời gian thực hiện, hồ sơ thủ tục theo quy định…
Về vấn đề 2 lò mì Phú Tây An và Hồng Châu “xem nhẹ kỷ cương phép nước”, Sở TN&MT cho biết, từ khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1762/QĐ-UBND năm 2008 đến nay, Sở TN&MT đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường, chính quyền địa phương tổ chức thanh, kiểm tra 29 đợt đối với 6 lò mì ở xã Tân Bình. Trong đó, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính đến… 23 lần, với tổng số tiền… 129 triệu đồng. Sở TN&MT cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định tạm đình chỉ 4 lò mì, nhưng hiện chỉ có 2 lò mì chấp hành, còn lại lò mì Hồng Châu và Phú Tây An xé niêm phong, tiếp tục hoạt động.
Sau khi phát hiện chủ lò mì Hồng Châu và Phú Tây An tự ý phá bỏ niêm phong, tiếp tục hoạt động, Sở TN&MT phối kết hợp với các ngành chức năng kiểm tra, lập biên bản vi phạm đối với lò mì Hồng Châu. Ngày 1.7.2011, Sở gửi tờ trình kiến nghị UBND tỉnh ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định tạm đình chỉ của UBND tỉnh đối với lò mì Hồng Châu. Đối với lò mì Phú Tây An, do chủ doanh nghiệp này cho biết chỉ phá niêm phong để sản xuất cho hết lượng nguyên liệu còn tồn đọng, sau đó đã “tạm ngưng” hoạt động nên ngành chức năng không kiến nghị UBND tỉnh ban hành quyết định cưỡng chế.
Tháng 7.2011, Sở TN&MT nhận được công văn của Văn phòng UBND tỉnh, yêu cầu Sở chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, đề xuất đối với việc DNTN Hồng Châu xin gia hạn thêm thời gian hoạt động. Thế nhưng, làm việc với ngành chức năng, doanh nghiệp này không xuất trình được các hợp đồng thu mua nguyên liệu cũng như các hồ sơ liên quan đến việc khắc phục ô nhiễm nhưng lò mì vẫn hoạt động trái quy định. Do đó, Sở TN&MT đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh không gia hạn thời gian hoạt động cho lò mì Hồng Châu, buộc doanh nghiệp này phải thực hiện nghiêm quy định tạm đình chỉ hoạt động của UBND tỉnh. Đến nay, DNTN Hồng Châu đã gửi nhiều văn bản đề nghị xin gia hạn thời gian hoạt động. Tuy nhiên, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh không chấp nhận đề nghị của doanh nghiệp này. Gần đây nhất, ngày 13.2.2012, Sở TN&MT có công văn cho biết không chấp thuận cho DNTN Hồng Châu “vừa hoạt động, vừa xây dựng hệ thống xử lý nước thải”.
Ông Nguyễn Hoàng, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho rằng hành vi xé niêm phong, tiếp tục hoạt động trái phép của DNTN Hồng Châu trong suốt thời gian qua cho thấy doanh nghiệp này cố tình vi phạm pháp luật, Cảnh sát Môi trường cần làm rõ xem trường hợp này có dấu hiệu vi phạm hình sự hay không. Theo lãnh đạo UBND xã Tân Bình, đến ngày 23.2.2012, lò mì Phú Tây An và Hồng Châu vẫn ngang nhiên hoạt động.

Khẩn trương xử lý

Về việc mạch nước ngầm bị ô nhiễm, ngành chức năng lấy mẫu đưa đi xét nghiệm đã lâu nhưng chưa công bố, công khai để người dân và chính quyền địa phương được biết, ông Nguyễn Hoàng xác định “có thiếu sót trong việc chậm công bố mẫu nước thải” vì nguyên nhân khách quan. Lãnh đạo Sở TN&MT cho biết thêm, năm 2011, ngành chức năng đã kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại lò mì thuộc DNTN Danh Dự và đã yêu cầu doanh nghiệp này có phương án hỗ trợ cho các hộ bị ô nhiễm nguồn nước giếng. DNTN Danh Dự đã hỗ trợ được 7 hộ, mỗi hộ 7 triệu đồng để khoan giếng mới. Tháng 4.2011, Sở đã khảo sát thực tế và lấy mẫu nước giếng tại các hộ khiếu nại. Kết quả phân tích cho thấy có 5/10 mẫu không đạt tiêu chuẩn. Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở TN&MT đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ Môi trường và Thanh tra Sở sớm tổ chức công bố kết quả phân tích các mẫu nước cho người dân được biết. Ông Trần Minh Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường cũng cho biết, qua phản ánh của người dân với cơ quan báo chí, Chi cục sẽ sớm tổ chức đợt khảo sát, tiếp xúc với các hộ dân, tiếp tục lấy mẫu nước đem phân tích xem có bị ô nhiễm hay không để người dân an tâm.
Về hướng xử lý căn cơ, lâu dài để bảo vệ môi trường ở xã Tân Bình, đại biểu dự họp cũng đã thống nhất đề xuất của Sở TN&MT: Sẽ gia hạn cho nhà máy chế biến bột mì thuộc DNTN Danh Dự, DNTN Hùng Vân đến ngày 30.3.2012 phải thực hiện hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải và báo cáo về Sở TN&MT. Nếu quá thời hạn này mà không thực hiện sẽ đề xuất UBND tỉnh ban hành quyết định tạm đình chỉ hoạt động. Đến hết năm 2013, toàn bộ các lò mì ở xã Tân Bình phải di dời đi nơi khác.
Hầm biogas thi công dang dở ở lò mì Danh Dự
Ông Nguyễn Hoàng cho biết sẽ “khẩn cấp” báo cáo UBND tỉnh tình hình vi phạm của các doanh nghiệp kinh doanh chế biến tinh bột mì ở xã Tân Bình và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý, đặc biệt là trường hợp vi phạm của DNTN Hồng Châu cần phải bị xử lý nghiêm. Ông Hoàng cho biết sẽ đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo áp dụng các biện pháp kiên quyết như cắt điện sản xuất ở lò mì Hồng Châu, cưỡng chế đình chỉ hoạt động đối với 2 lò mì Hồng Châu và Phú Tây An.
BẢO TÂM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét