(BTNO)- Từ hai năm qua, một số người dân xã Tân Bình, Thị xã lâm vào cảnh sống chung với ô nhiễm do các lò mì trên địa bàn gây ra. Mạch nước ngầm và hoa màu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.
Gia đình ông Võ Văn Võ ở ấp Tân Trung là một trong số 11 hộ bị ô nhiễm nguồn nước giếng khoan. Từ hơn 15 năm qua, giếng khoan nhà ông Võ cho chất lượng nước khá tốt, nhưng 2 năm trở lại đây nước bắt đầu bị ô nhiễm. Khi mới bơm lên, nước có màu trắng trong bình thường, nhưng chỉ một thời gian ngắn chuyển sang màu vàng, có cặn, bốc mùi hôi giống như mùi bột mì ngâm nước lâu ngày. Ông Võ bức xúc nói: “Phần lớn các giếng ở đây không xài được, không tắm giặt được, thậm chí có giếng không thể tắm cho heo được. Nông dân làm đơn kiến nghị lên xã, lên Sở Tài nguyên và Môi trường, sau đó lò mì có khắc phục bằng cách xây mới 15 giếng khoan với độ sâu 60m cho các hộ dân, nhưng chỉ xài đỡ, chứ sau mùa nắng này có khi lại tiếp tục ô nhiễm”.
|
Một lò mì trên địa bàn ấp TânTrung, xã Tân Bình
|
|
Giếng khoan của một hộ dân bị ô nhiễm
|
|
Ông Nguyễn Thành Luận và hàng cây mãng cầu cháy rụi vì tưới bằng nguồn nước bị ô nhiễm |
Hiện nay, trên địa bàn xã Tân Bình có 3 lò mì đang hoạt động và 2 lò mì ngưng hoạt động do gây ô nhiễm môi trường- chủ yếu là ô nhiễm nguồn nước ngầm. Không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khoẻ và cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân địa phương, mà tình trạng ô nhiễm trên còn gây thiệt hại không nhỏ về sản xuất nông nghiệp. Điển hình như trường hợp của ông Nguyễn Thành Luận, cũng ở ấp Tân Trung, đầu tư 5 công đất trồng mãng cầu, sau 5 năm miệt mài chăm sóc, đến khi chuẩn bị thu hoạch vụ đầu tiên thì cây lần lượt khô héo và chết dần do bị ô nhiễm nguồn nước tưới. Do vườn mãng cầu nhà ông Luận nằm sát bên ao chứa nước thải của lò mì nên mức độ thiệt hại cây trồng là nặng nề nhất so với các hộ dân khác. Ông Luận buồn bã nói: “Coi như tôi mất trắng vụ mãng cầu, trong khi người ta chỉ có nửa mẫu mãng cầu như tôi mà bán được từ 110 - 120 triệu đồng”.
Trước tình trạng các lò mì trên địa bàn gây ô nhiễm, chính quyền xã Tân Bình cũng đã nhiều lần làm tờ trình kiến nghị lên Chi cục Bảo vệ môi trường và Sở Tài Nguyên và Môi trường Tây Ninh. Kết quả, có 2 lò mì gây ô nhiễm bị ngưng hoạt động. Tuy nhiên, các lò mì còn lại vẫn chưa đảm bảo được việc xử lý chất thải.
Ông Nguyễn Thanh Minh- Chủ tịch UBND xã Tân Bình cho biết: “Địa phương cũng đã mời người dân và doanh nghiệp lên bàn cách khắc phục, để người dân có nước xài. Sau 4 lần làm việc, đến nay cơ bản các hộ dân bị ô nhiễm đã khoan giếng hết. Nhưng đó chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài không thể để các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nặng về môi trường- nhất là đối với mạch nước ngầm, khi đã bị ô nhiễm thì sẽ ảnh hưởng rất lớn sau này”.
Được biết, kết quả kiểm nghiệm 3 mẫu nước ngầm tại 3 giếng khoan ở 3 độ sâu khác nhau tại tổ 4, ấp Tân Trung hồi tháng 10.2012 của Chi cục Bảo vệ Môi trường đều có nồng độ chất độc hại cao gấp 100 lần giới hạn cho phép. Do vậy, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân có giếng bị ô nhiễm không nên tiếp tục sử dụng, mà chuyển sang dùng các giếng khoan do cơ sở đầu tư. Còn về sản xuất- chủ yếu là cây mãng cầu, do chưa thoả thuận được giá tiền đền bù, nên những hộ có diện tích cây trồng bị chết do nước thải từ lò mì trên địa bàn đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng, yêu cầu giải quyết thoả đáng cho bà con.
NGUYÊN VŨ
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét